.

.
Tour du lịch Khách sạn Vé máy bay Visa
Thứ Tư, 3 tháng 9, 2014
Công trình điêu khắc đất sét ở Đà Lạt

Công trình điêu khắc đất sét ở Đà Lạt


Ga xe lửa, nhà thờ Con gà hay ngôi nhà rộng 90m2 là những nét đặc biệt trong công trình mô hình bằng đất sét ở Đà Lạt. 

Nằm giữa rừng thông xanh mát của hồ Tuyền Lâm, Đà Lạt, công trình điêu khắc đất sét là điểm đến lý thú của nhiều du khách thời gian gần đây. Chủ nhân của công trình đã dồn toàn bộ tâm huyết để tạo nên tác phẩm sáng tạo này. Bước chân đến đây, ấn tượng đầu tiên phải kể đến là con đường hầm lộ thiên với nhiều tác phẩm điêu khắc chạy dọc hai bên vách. Công trình này được tạo nên dựa vào hai ý tưởng là tái hiện Đà Lạt từ thuở sơ khai tới khi phát triển thành một vùng đất hiện đại và những công trình kiến trúc, văn hóa độc đáo.

Đi theo đường hầm, bạn sẽ cảm nhận rõ nét lịch sử hình thành Đà Lạt đang diễn ra trước mắt như ngôi nhà sàn đặc trưng bằng đất sét, những hình ảnh sinh hoạt đời thường của đồng bào dân tộc... Rồi công trình trở nên hiện đại hơn với ga xe lửa, viện Pasteur, nhà thờ Con gà hay sân bay, thung lũng tình yêu... 


Dọc hai bên vách đường hầm là những hình ảnh điêu khắc kể lại câu chuyện của Đà Lạt. 

Đường hầm điêu khắc không phải tự nhiên xuất hiện, mà có cả một quá trình tạo dựng. Chủ nhân của công trình đã cho đào và di dời tới 50.000 mét khối đất nhằm tạo nên đường hầm dài 1,2 km, rộng từ 2 đến 10 mét và sâu từ 1 đến 9 mét. Trong công trình điêu khắc đất sét này, đặc biệt nhất chính là ngôi nhà được làm hoàn toàn bằng đất sét rộng khoảng 90 m2. Sách kỷ lục Việt Nam đã ghi nhận hai kỷ lục cho ngôi nhà này là ngôi nhà bằng đất đỏ bazan không nung có mái đắp nổi hình bản đồ Việt Nam đầu tiên có diện tích lớn nhất và ngôi nhà đất đỏ bazan không nung đầu tiên có phong cách độc đáo nhất.


Ngôi nhà đất sét phong cách độc đáo có diện tích khoảng 90 m2 nằm trong công trình. 

Ngôi nhà đất sét nằm ở vị trí hướng tầm nhìn ra bờ hồ và bốn bức tường nhà là những hình ảnh về thiên nhiên và tình yêu dành cho Đà Lạt. Đặc biệt nhất là hình ảnh Trường Sa, Hoàng Sa xuất hiện trên mái nhà như một cách nhắc nhở du khách về chủ quyền lãnh thổ. Nội thất bên trong căn nhà khá đầy đủ từ bàn ghế, bồn tắm, chậu rửa mặt và tất cả đều được làm từ đất sét. Căn nhà này được làm ra với mục đích sinh hoạt bình thường chứ không chỉ là nơi để khách đến tham quan. 

Nhiều người đến đây tỏ ý thắc mắc liệu trời mưa gió thì công trình này có bị ảnh hưởng hay không. Câu trả lời là không, vì tuy toàn bộ công trình làm bằng đất sét nhưng được pha bằng công nghệ đặc biệt nên có độ bền cao. Đến Đà Lạt những ngày này, trong tiếng chim hót rộn rã giữa núi đồi, để cho bản thân khám phá công trình điêu khắc đất sét cũng là một cách hay làm mới chuyến đi.
Xem thêm
Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014
Phiên chợ trời đầy ‘cám dỗ’ ở Sài Gòn

Phiên chợ trời đầy ‘cám dỗ’ ở Sài Gòn

Chợ trời Sài Gòn đến hẹn lại họp bất kể nắng mưa, mang phong cách ở các nước châu Âu và là điểm đến yêu thích của nhiều người muốn tìm mua những món đồ độc đáo. 

Giới trẻ Sài Gòn, đặc biệt là tín đồ thời trang yêu thích những món mới lạ thường tìm đến phiên chợ nổi tiếng Sài Gòn Flea Market tổ chức trên đường Tôn Dật Tiên, quận 7. Một tháng chợ chỉ họp mặt hai lần vào chủ nhật, từ 11h sáng đến 7h tối, nhưng lượt người kéo đến chợ luôn đông nườm nượp, cả khách ta lẫn khách tây. 


Toàn cảnh chợ trời Sài Gòn. Nơi đây thu hút không chỉ riêng giới trẻ Việt Nam mà gần đây còn xuất hiện du khách nước ngoài. Ảnh: Thảo Nghi


Phiên chợ trời Sài Gòn tạo cho bạn cảm giác như đang lạc ở khu chợ nước ngoài. Với hơn 20 gian hàng khác nhau, không khí nơi đây rất nhộn nhịp, lẫn trong gió có mùi hương thoang thoảng của các sản phẩm tự nhiên. Tại đây, bạn có thể tìm thấy đủ loại mặt hàng từ quần áo, túi xách đến tranh ảnh, vòng tay với giá rẻ hơn so với mua bên ngoài. 

Chợ trời Sài Gòn bất chấp trời nắng chang chang hay mưa tầm tã vẫn hoạt động mua bán bình thường. Tại đây không bán tràn lan tất cả mặt hàng mà tập trung vào những loại chủ yếu gồm đồ tự thiết kế, thủ công và sản phẩm phong cách vintage, đồ đã qua sử dụng. 


Một bạn gái đang lựa chọn trang sức ở gian hàng. Ngoài trang sức, gian hàng này còn bán máy ảnh chụp dưới nước, tất đủ màu, kẹp tóc... Ảnh: Thảo Nghi


Mặt hàng bày bán ở đây hệt như một mê cung đầy cám dỗ. Hầu hết người bán ở chợ trời Sài Gòn là sinh viên thiết kế thời trang, mỹ thuật hay chỉ đơn thuần có gu thẩm mỹ tinh tế, họ tự sáng tạo ra sản phẩm riêng và đem bày bán cho ai yêu thích. Sản phẩm thiết kế còn mới nguyên, đến độ bạn có thể nhìn thấy phấn vẽ trên thớ vải của một chiếc áo hay quần. 

Ai từng có kinh nghiệm đi chợ trời Sài Gòn đều đùa với bạn bè rằng đến đây tốt nhất nên bỏ tiền ở nhà, vì đồ đạc đẹp đến nỗi thấy gì cũng muốn mua. Rẻ khoảng 10.000 đồng cũng có mà đắt đến tiền triệu cũng có. Đến chợ trời Sài Gòn, bạn phải tỉnh táo và bản lĩnh mới không “vung tiền quá trán”. 


Những chiếc đầm của Thái Lan cũng được nhập về và bày bán ở chợ trời Sài Gòn với giá hợp lý. Ảnh: Thảo Nghi


Một vòng dạo quanh chợ trời, bạn có thể sẽ bị bất ngờ vài lần khi nhầm tưởng cục xà phòng là ổ bánh kem hoặc bánh trung thu, hay một cô gái cặm cụi xịt kem lên vỏ điện thoại nhưng thật ra đó là loại keo trang trí. Có lẽ vì hội tụ nhiều yếu tố sáng tạo mà chợ trời Sài Gòn trở thành điểm đến quan tâm của nhiều bạn trẻ. 

Nếu bất chợt bạn muốn mua một quyển sổ kiểu cổ điển hay một chiếc áo khoác cầu kỳ, hãy thử dự phiên chợ trời Sài Gòn một lần. Trường hợp không có nhu cầu mua sắm, thì cũng cứ thử đến đấy trải nghiệm cảm giác lang thang trong phiên chợ mang hơi hướng phương Tây. 
Xem thêm
Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014
Bản đồ ẩm thực miền Trung tại Kon Tum

Bản đồ ẩm thực miền Trung tại Kon Tum

Dù không ghé qua dải đất miền Trung nhưng du khách vẫn có thể nếm thử những đặc sản nổi tiếng như mì Quảng hay nem nướng Ninh Hòa khi có chuyến du lịch ở vùng đất đỏ Tây Nguyên.

Dưới đây là một số địa chỉ mà du khách có thể thưởng thức món ngon tại Kon Tum.

1. Mì Quảng


Mì Quảng được bán tại đường Phan Chu Trinh, Kon Tum. Ảnh: T.P

Nhắc đến Quảng Nam, nhiều người thường nghĩ tới món mì Quảng ngon nổi tiếng. Đây là món mì được làm từ bột gạo xay mịn, tráng thành bánh sau đó thái những sợi mỏng. Mì Quảng có phần nước dùng rất ít, điều làm nên đặc trưng của món ăn này. Thông thường sau khi đặt lên trên lớp mì nào là tôm, thịt heo nạc, thịt gà, rau thơm gồm rau trà quế, rau húng, hoa chuối thái mỏng, lạc rang giã nhỏ,... người bán sẽ chan lên bát mì một loại nước dùng được ninh từ tôm và một số gia vị khác. Mì Quảng có vị tự nhiên, sợi mềm, dai,... khiến khách ăn một lần là nhớ mãi không thôi. Chẳng vậy mà mà món ngon này được rất nhiều người yêu thích. 

Tại Kon Tum, những tín đồ ẩm thực có thể tới đường Phan Chu Trinh để thưởng thức món ngon độc đáo, đậm chất miền Trung này.


2. Các món lươn xứ Nghệ


Cháo lươn có vị ngọt tự nhiên, hấp dẫn. Ảnh: Huấn Phan

Lươn là một trong những đặc sản nổi tiếng và ngon hấp dẫn tại xứ Nghệ. Chẳng vậy mà món ngon này xuất hiện ở rất nhiều nơi trên dải đất hình chữ S, và tất nhiên không ngoại trừ Kon Tum. Với những thực khách mê mẩn các món lươn xứ Nghệ có thể tìm thấy ở Kon Tum súp lươn và cháo lươn. Mặc dù không đa dạng cá món như tại chính quê hương của nó nhưng chứng đó cũng đủ làm thực khách hài lòng.

Cháo lươn xứ Nghệ ở Kon Tum vẫn đủ đầy như hương vị truyền thống, đó là vị béo ngậy của lươn đồng hòa cùng cái ấm nóng của cháo và ớt cay nồng. Hay như súp lươn với màu sắc bắt mắt từ vàng của nghệ, xanh của hành lá, mùi tàu và khi nếm thử mới thấy mùi tanh không còn. Trường Chinh và Hùng Vương là hai con đường mà du khách có thể thưởng thức các món ngon độc đáo này.


3. Ẩm thực Ninh Hòa


Nem nướng được làm từ những nguyên liệu tươi nhất. Ảnh: Huấn Phan

Một trong những món ngon miền Trung mà người dân tại Kon Tum thường tìm thưởng thức khi ghé qua đường Lê Hồng Phong chính là nem nướng và bún cá. Sở dĩ hai món ăn này hấp dẫn thực khách tới vậy vì được chế biến từ những nguyên liệu tươi ngon nhất. Trong khi nem nướng được làm từ thịt heo còn tươi giã nhuyễn, trộn đều với mỡ thái hạt lựu, tỏi, tiêu, đường… sau đó nắm thành thanh dài rồi xiên que và nướng chín trên than hồng, thì bún cá được chế biến từ chả cá thác lác được làm khéo léo cùng các gia vị đi kèm như dứa, cà chua,...


4. Bún sứa


Bún sứa chỉ nhìn thôi đã thấy ngon miệng. Ảnh: dulichvietnam

Được xem như món ăn đặc trưng của biển miền Trung nên bún sứa chính là món ngon mà du khách có thể thưởng thức ngay tại Kon Tum mà không phải di chuyển tới Nha Trang, Phan Thiết hay Bình Định,.. Với thành phần chính gồm sứa biển, bún ăn kèm rau sống, mỗi một bát bún sứa mang đến cho thực khách những dư vị khó có thể quên. Đó là vị giòn sần sật của sứa được làm kỹ, vị ngọt đậm đà của nước hầm xương và vị cay cay của ớt dầu. Có thể hương vị không thể trọn vẹn như chính tại dải đất miền Trung nhưng với sự có mặt tại Kon Tum thì bún sứa vẫn là một gợi ý nên thử cho những ai bỗng nhiên nhớ hương vị quê nhà. 

Bún sứa Kon Tum được bán trên đường Đoàn Thị Điểm


5. Bánh gói 


Phan Đình Phùng là con đường của bánh gói miền Trung. Ảnh: thanhnien

Là một loại bánh khá giản dị, bánh gói không chỉ được người dân miền Trung yêu thích mà ngay tại Kon Tum, món ngon này cũng giữ nguyên được sự hấp dẫn của mình. Bánh được làm từ bột gạo pha với nước dứa, bên trong có nhân đậu xanh và mỡ heo cùng hành lá. Khách nếm thử hãy chầm chậm bóc lớp vỏ lá chuối xanh bên ngoài để lộ tấm bánh đầy đặn bên trong. Cắn một miếng mà cảm nhận được mùi thơm của thịt quyện cùng phần đậu xanh hấp dẫn. Khách có thể tìm mua cho mình món bánh ngon này trên đường Phan Đình Phùng.
Xem thêm
Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014
no image

Thuộc lòng 5 con đường 'cần là có' ở Sài Gòn


Ở Sài Gòn muốn mua gì cũng dễ, chỉ cần biết đúng con đường chuyên dụng. Thích chậu cây để bàn thì ra đường Thành Thái, mua tranh treo tường ra đường Trần Phú, hay sách cũ cứ quẹo lên đường Trần Huy Liệu. 

Khi muốn mua bất kỳ món đồ nào, người Sài Gòn đều biết mình nên đi đâu. Thành phố này tuy nhỏ nhưng có hẳn những con đường bày bán chỉ duy nhất một mặt hàng, tăng tính cạnh tranh về giá cả đồng thời tạo nên nét đặc trưng. Hãy cùng điểm qua những con đường dưới đây, ghi nhớ vào sổ tay vì sẽ có lúc bạn muốn biết phải mua điều khiển tivi ở đâu.

1. Đường tranh – Trần Phú

Con đường Trần Phú, quận 5 từ lâu đã trở thành điểm đến quen thuộc của những người muốn mua tranh. Từ bức tranh tĩnh vật, chân dung cho đến tranh tôn giáo, trừu tượng, cỡ nhỏ hay cỡ lớn, bạn đều có thể tìm thấy nơi đây. Đường Trần Phú không quá dài, nhưng dọc hai bên đường các cửa hàng tranh nằm san sát nhau.

Người bán trưng bày những bức tranh rất lớn và đẹp bên ngoài cửa để ai chạy xe quacũng nhìn thấy. Nhiều lúc đi ngang nhìn vào trong bạn còn thấy người họa sĩ cặm cụi ngồi vẽ tác phẩm của mình. Đường Trần Phú cung cấp nhiều loại tranh như sơn dầu, tranh thêu cao cấp hoặc tranh sơn mài, bạn có thể đến đây mua tranh có sẵn hoặc mang mẫu của mình nhờ họa sĩ vẽ.


Một trong những cửa hàng tranh vẽ thiên về cảnh vật tự nhiên và tôn giáo.

2. Đường đồ điện tử - Nhật Tảo

Nhờ có đường Nhật Tảo, quận 10, mà những bà nội trợ không phải lo lắng khi đồ điện tử trong nhà bị hư. Đến con đường này, bạn có thể tìm thấy tất cả mọi thứ từ cái tai nghe, máy ảnh cho đến bộ loa nghe nhạc. Chỉ cần nói thứ bạn cần sẽ có người chỉ bạn đến đúng chỗ để mua. Ngay cả cái điều khiển tivi bị mất, bạn chỉ cần đọc hiệu tivi, một đồ điều khiển y chang sẽ được mang ra và dĩ nhiên không thua kém cái cũ. 

Đồ được bày bán ở đường Nhật Tảo được phân loại theo giá tiền và chất lượng. Có người trải bạt ngồi trên lề đường và sắp đồ ra bán, người thì bán trong cửa hàng. Họ thường nói thách nên bạn cần trả giá nếu không muốn bị mua đắt.

3. Đường sách cũ – Trần Huy Liệu

Mật độ cửa hàng sách cũ ở Trần Huy Liệu không dày đặc nhà nối nhà mà chỉ tầm 5-6 cửa hàng rải rác phần đầu con đường. Tuy nhiên, mỗi cửa hàng sách cũ lại chứa một lượng sách báo phong phú và chất lượng. Hàng trăm quyển sách với màu giấy ngả vàng xếp gọn gàng trên kệ. Những người chủ tiệm sách ở đây thường thu mua các đầu sách hay hoặc sách hiếm, chính vì vậy ngay cả khi bạn lọt thỏm giữa bốn bức tường sách, bạn vẫn có nhiều cơ may tìm được quyển ưng ý.

Nếu chịu khó lùng sục vài tiếng, bạn có thể tìm thấy những quyển triết lý hay, sách chuyên ngành hoặc các quyển truyện tranh bị thất lạc. Đường sách cũ Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận, là một làn gió nhẹ nhàng ở Sài Gòn dành cho những người mê sách.


Sinh viên hoặc người mê sách cũ sẵn sàng dành nhiều tiếng đồng hồ để lựa sách hay trong mê cung sách ở đây. 

4. Đường mua sắm – Nguyễn Trãi

Sống ở Sài Gòn không ai lại không biết đến con đường Nguyễn Trãi, quận 5. Đây được xem là con đường mua sắm sầm uất nhất nhì với những mặt hàng quần áo, túi sách, khăn choàng, nón, đồ trang sức. Con đường này thường gây kẹt xe ban đêm vì chật kín người mua sắm. Người nào không có cửa hàng thì đẩy sào đồ dựng trên vỉa hè và khách tắp vô đứng lựa. Tùy vào mặt hàng, chất liệu vải và cách trả giá mà bạn có thể mua được những bộ cánh đẹp khi đến Nguyễn Trãi. Tuy nhiên, khi mua ở đây bạn cũng nhớ lưu ý xe cộ và tiền bạc vì đường đông, người người quẹo lựa nên kẻ gian có thể lợi dụng móc túi.

5. Đường cây cảnh - Thành Thái

Muốn mua một chậu cây nho nhỏ để trên bàn làm việc hay làm hòn non bộ lớn trong vườn, bạn chắc chắn phải đến đường Thành Thái, Quận 10. Đi trên con đường Thành Thái vào buổi trưa, bạn vẫn cảm thấy sự dễ chịu nhờ một màu xanh mướt của các cửa hàng cây cảnh. Những chậu cây đầy màu sắc được đặt cạnh nhau. Chủ cửa hàng cầm vòi phun sương cho cây để giữ được độ tươi cây trồng.

Ngoài việc mua bán cây, bạn cũng có thể hỏi kinh nghiệm chăm sóc cây trồng của nhà vườn. Họ sẽ hướng dẫn tận tình để chậu cây của bạn luôn tươi tốt. Dù nhà bạn không có khoảng sân rộng, hãy cứ thử ra Thành Thái và mang về chậu hoa nhỏ, bạn sẽ thấy cây xanh cải thiện tâm trạng của chúng ta rất tốt.


Dọc con đường Thành Thái, những chậu cây xanh mướt được bày ra bên ngoài. Chỉ cần tắp sát vào lề, bạn đã có thể nhìn được các loại cây. 

Xem thêm
Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014
Thích thú với một Sài Gòn đầy sắc màu trong mắt giới trẻ

Thích thú với một Sài Gòn đầy sắc màu trong mắt giới trẻ


Bất kì ai yêu mến thành phố mang tên Bác cũng có thể thỏa sức sáng tạo, thể hiện tình cảm của mình để khiến Sài Gòn trở nên đẹp và sống động hơn bao giờ hết.

Một cuộc thi về nét đẹp Sài Gòn đã trở thành tâm điểm chú ý của mọi người cuộc thi dành cho tất cả mọi người, nhất là cho những ai có niềm đam mê với thiết kế đồ họa.

Với một chút thủ thuật chỉnh sửa để lên ý tưởng, từ thiết kế, vẽ, tô màu, chụp ảnh,... các bạn trẻ đã tạo nên rất nhiều hình ảnh Sài Gòn với đầy màu sắc khác nhau, theo đúng những tình cảm mà mình đặc biệt dành riêng cho mảnh đất này. Cùng xem qua một vài tác phẩm để ngắm nhìn một Sài Gòn sắc màu và đầy sức sống trong mắt các bạn trẻ như thế nào nhé!



Tác phẩm Cầu Vồng Sài Gòn của bạn Đồng Lâm Thanh Tùng



Tác phẩm Cánh Chim của bạn Trương Tuấn Vũ


Tác phẩm của bạn Nguyễn Trung Túc dựa trên ý tưởng bảo vệ môi trường, tái sử dụng chai nhựa


Tác phẩm Sài Gòn sau mưa của bạn Nguyễn Trung Túc


Tác phẩm của bạn Phạm Lan Anh


Tác phẩm Kết nối tôi của bạn Đồng Lâm Thanh Tùng


Một tác phẩm khác của bạn Trương Tuấn Vũ


Tác phẩm của bạn Nguyễn Thị Thanh Hân


Tác phẩm của bạn Dương Ngọc Thủy với ý tưởng tái hiện quá trình lịch sử lên mái vòm của Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh - một niềm tự hào của người dân thành phố


Tác phẩm Sắc màu Sài Gòn qua những cây cầu của bạn Lê Hoàng Long
Xem thêm
Thứ Năm, 21 tháng 8, 2014
Những món bánh làm quà cho chuyến du lịch miền Tây

Những món bánh làm quà cho chuyến du lịch miền Tây


Vùng đất Chín Rồng không chỉ nổi tiếng bởi những miệt vườn trái cây xum xuê, mà còn hấp dẫn với nhiều món bánh ngon cho bạn làm quà khi có dịp ghé thăm.

Nếu có chuyến du lịch miền Tây bạn nên mua những món bánh đặc sản dưới đây để làm quà cho bạn bè, người thân.

1. Bánh pía Sóc Trăng

Dọc theo mọi con đường của tỉnh Sóc Trăng, du khách dễ dàng bắt gặp những chiếc bánh tròn dẹp, nhìn đẹp mắt và có mùi vị ngọt ngào được bày bán tại nhiều cửa hàng. Đó là bánh pía, đặc sản số một của vùng đất này.

Bánh pía được chế biến với nhiều công đoạn khéo léo và cầu kỳ. Đầu tiên bột mì được cán mỏng để làm lớp vỏ bánh bên ngoài. Phần nhân bánh là đậu xanh hoặc khoai môn hấp chín chà nhuyễn, xào với đường rồi trộn chung với chút sầu riêng tươi và lòng đỏ trứng muối. Sau khi cuộn tròn nhân bánh, vỏ ngoài sẽ được thoa một lớp lòng đỏ trứng muối rồi đem vào lò nướng.

Bánh pía có một hương vị rất đặc trưng. Cắn miếng bên ngoài thực khách sẽ cảm nhận được vị thơm của bột. Thưởng thức phần nhân bên trong thực khách sẽ nhận thấy vị dẻo bùi của khoai môn hòa với mùi sầu riêng thơm nức, vị ngọt của đường và vị mặn của lòng đỏ trứng. Tất cả được phối trộn một cách hài hòa độc đáo. Nếu có dịp đặt chân đến mảnh đất này du khách đừng quên thưởng thức bánh pía và mua làm quà cho người thân. Ngày nay bánh pía có mặt hầu hết ở các tỉnh, thành miền Tây và Sài Gòn nên du khách dễ dàng tìm thấy.


Trăng sáng Trung Thu thưởng thức món bánh pía với gia đình là điều hết sức thú vị. Ảnh: Foody.

2. Bánh tráng Mỹ Lồng

Mỹ Lồng là một ngôi chợ nhỏ chuyên bán đặc sản của vùng thuộc huyện Giồng Trôm, Bến Tre. Ngoài dừa nơi đây còn có bánh tráng (bánh đa) được xem là nổi tiếng khắp vùng. Để làm được miếng bánh tráng ngon nức tiếng, người làm phải dùng một loại gạo sỏi, một giống lúa gạo đặc biệt ở Trà Vinh để bánh làm ra không co hay gãy nứt khi đem phơi. Nguyên liệu làm bánh gồm bột gạo sỏi, nước cốt dừa, đường. Phần nhân trên của bánh được đổ với mè, gừng, sữa, lòng đỏ trứng gà, lạp xưởng, tôm khô…phù hợp cho cả người ăn mặn và ăn chay.

Bánh tráng Mỹ Lồng cuốn hút nhiều thực khách với vẻ ngoài hấp dẫn bởi những miếng lạp xưởng, tôm khô và lớp trứng mỏng vàng rực, được nướng trên bếp than lửa rực hồng. Miếng bánh giòn tan, thơm mùi của nước cốt dừa hòa với vị tôm, vị lạp xưởng. Đến Bến Tre bạn sẽ dàng thấy đặc sản này ở khắp mọi nơi.

3. Bánh phồng Sơn Đốc

Người dân miền Tây hay Bến Tre thường có câu “bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc” ý nói về đặc sản đặc trưng gắn liền với địa danh của vùng đất này. Bánh phồng thơm ngon cũng bởi tinh túy của nước cốt dừa. Cái chất xôm xốp của miếng bánh hòa với vị béo ngậy của dừa như gói trọn tình cảm của người làm bánh ở quê hương Đồng Khởi. Dù bây giờ bánh phồng Sơn Đốc có thêm nhiều biến thể khác nhau như bánh hành, bánh mặn... nhưng loại bánh phồng dừa ngọt vẫn nổi danh hơn cả.

Ban đầu, bánh phồng Sơn Đốc chỉ xuất hiện trong dịp lễ, tết truyền thống. Nhưng chính hương vị thơm lừng, ngòn ngọt, giòn giòn, bánh phồng đã trở thành món quà quê có mặt khắp mọi nơi và mọi ngày trên những cung đường miền Tây. Qua thời gian, từ đời này sang đời khác, bánh phồng được nhiều người ưa chuộng và không biết từ khi nào đã trở thành đặc sản truyền thống của người dân nơi đây.

Nếu du khách có dịp đến Bến Tre, hãy tìm đến Sơn Đốc để tha hồ thưởng thức những chiếc bánh phồng và tận mắt chứng kiến cách làm bánh, rồi mua về làm quà cho người thân.


Hãy mang theo món quà quê dân dã cho bạn bè, người thân với bánh phồng miền Tây cho mỗi chuyến đi của du khách. Ảnh: Hiepcantho.

4. Bánh tét Trà Cuôn

Bánh tét Trà Cuôn – Trà Vinh là một trong hai loại bánh tét nổi tiếng ở miền Nam. Để có được đòn bánh chắc nịch, ăn dẻo ngọt, để được lâu ngày, người nghệ nhân phải trải qua nhiều công đoạn như chọn lá gói, lấy màu tự nhiên cho nếp sáp đến làm nhân, gói và nấu bánh đều hết sức công phu.

Chọn lọc từ những tàu lá chuối tươi, khổ rộng vừa phải, không rách, đem phơi nắng cho hơi rám màu, lau kỹ và xếp lại gọn gàng. Khi gói bánh cần chọn nếp sáp địa phương ngon thuần nhất có độ dẻo phù hợp, không lẫn gạo hay nếp tạp khác, đãi sạch để ráo, trộn đều với nước cốt lá rau ngót để có màu xanh tự nhiên và hương thơm nhẹ không có phẩm màu.

Đậu xanh cho nhân bánh phải là loại hạt to, tròn đều và đãi sạch vỏ, nấu chín, quết mịn pha thêm hương vị tạo mùi riêng. Mỡ heo chọn loại dày dưới da, thịt và mỡ được sắc thỏi dài vuông vức các góc cạnh, tẩm ướp gia vị vừa phải như hành lá, muối, đường… Ngoài ra để hấp dẫn và thu hút khẩu vị thực khách, người gói còn cho thêm trứng muối.


Bánh tét Trà Cuôn có mặt ở Sài Gòn và hầu hết các tỉnh, thành miền Tây. Ảnh:Tapchigiadinh.

5. Bánh tráng sữa Bến Tre

Bắt nguồn từ Bến Tre, món bánh tráng sữa được làm chủ yếu từ dừa, bột gạo, pha với bột sắn, nước, đường, mè, đậu xanh, lá dứa, sầu riêng theo một tỉ lệ nhất định. Khi tráng bánh người ta trải một tấm khăn trên nồi có nước sôi bên trong. Để ra được bánh tráng sữa vừa mềm, dẻo, vừa thơm phụ thuộc không chỉ vào kỹ thuật đổ bánh, mà động tác đổ cũng phải thật khéo léo, nhanh nhẹn, cuối cùng là rắc mè lên trên. Bánh chín người ta để lên nan tre mỏng và phơi nắng 3-5 ngày là dùng được.

Vị bùi béo của nước cốt dừa kết hợp với độ mịn, mềm của bột gạo cùng bột sắn, cộng thêm mùi thơm của sầu riêng tạo nên hương vị ấn tượng, khó quên cho bánh tráng sữa. 
Xem thêm
Sài Gòn lạ lẫm qua ô cửa xe buýt

Sài Gòn lạ lẫm qua ô cửa xe buýt


Trong chuyến đi ngắn vẻn vẹn 2 tiếng đồng hồ với tiền vé chỉ 5.000 đồng một lượt, Sài Gòn vốn sầm uất bỗng chốc trở nên lạ lẫm


Nhiều người ở Sài Gòn tin rằng thành phố này quá bé nhỏ, đến nỗi chẳng còn nơi nào mới để đi hay cảm nhận. Nhưng tất cả những điều đó sẽ nhanh chóng biến mất, khi bạn tự tạo nên một chuyến đi theo cách hoàn toàn khác: trở thành khách du lịch trong chính thành phố của mình. 

Hãy bỏ chiếc xe máy của bạn ở nhà và bước lên xe buýt. Khung cảnh Sài Gòn trôi chầm chậm qua ô cửa xe và những con người hàng ngày mưu sinh hiện lên trên ống kính máy ảnh đầy sống động. 


Vòng xoay Trần Nguyên Hãn và chợ Bến Thành vốn quen thuộc nhưng vẫn trở nên mới mẻ trong chuyến đi ngắn này. Ảnh: Tân Cao.

Chuyến xe buýt số 2 đi từ Bến xe miền Tây đến chợ Bến Thành sẽ dẫn bạn qua hai cung bậc cảm xúc. Đó là sự xô bồ nhưng gần gũi ở bến xe miền Tây, nơi người dân ở các tỉnh đổ về trạm và những bước chân vội vã của du khách nước ngoài trên những con đường trung tâm Sài Gòn. 

Bạn nên đón xe buýt ngay trong bến để có chỗ ngồi đẹp cạnh cửa sổ. Những chuyến xe buýt chạy tuyến đường chính ở Sài Gòn bây giờ được sửa sang nên bạn sẽ không cảm thấy khó chịu do chen chúc. Dù đủ khách hay vắng bóng, chiếc xe buýt vẫn sẽ khởi hành đúng giờ.

Xe buýt sẽ chạy qua tuyến đường Hậu Giang nên đừng quên nhìn vào chợ Cây Gõ. Ngôi chợ này là một địa điểm mua sắm nổi tiếng của người dân sinh sống khu vực quận 6. Ở đây bán rất nhiều đồ từ quần áo, túi xách, kẹp tóc cho đến vòng tay với giá cả rất rẻ. 

Rẽ sang đường 3/2, quận 10, bạn sẽ có dịp nhìn ngắm những cây cầu vượt mới xây, với những bụi cây và hoa tươi tốt dưới chân cầu - những thứ rất bình thường khi bạn chạy ngang bằng xe máy. Trong cơn mưa rả rích, qua khung cửa lấm tấm nước, bạn sẽ có một cảm giác bồi hồi khó tả khi bắt gặp hình ảnh những người đẩy xe bán dạo ngồi nép vào hiên nhà, những quầy bánh trung thu mọc lên san sát hay đoàn xe nối đuôi nhau chạy. 

Xe tiếp tục lăn bánh qua con đường Cao Thắng. Con đường này có rất nhiều quán ăn ngon mà bạn có thể ghi nhanh vào sổ để có dịp quay lại và thưởng thức. Từ quán nướng, nhà hàng buffet cho đến đồ ăn vặt, đường Cao Thắng có rất nhiều lựa chọn hấp dẫn.

Nếu là người thích sự náo nhiệt, chắc chỉ có phố Tây, Phạm Ngũ Lão mới đủ sức cuốn hút bạn. Đây là khu phố Tây nhộn nhịp nhất Sài Gòn. Những du khách vai đeo balô nặng trĩu nhưng sải bước rất nhanh. Nhìn cách họ di chuyển, đôi chân của bạn cũng như được truyền năng lượng để bước đi. 

Đúng lúc bạn muốn sải bước giống họ, cũng là lúc xe buýt đến trạm xe Bến Thành và trời cũng đã hết mưa. Hãy xuống xe và đi bộ qua đường. Vẫn khung cảnh quen thuộc như chợ Bến Thành, vòng xoay tượng đài Trần Nguyên Hãn, công viên 23/9, nhưng khi đứng ở đó với tâm thế của du khách, bạn thấy trong lòng rộn ràng trước vẻ đẹp "cũ mà mới". 


Chiếc xích lô đậu trên vỉa hè chờ khách. Ảnh: Thảo Nghi

Từ đây, bạn thỏa sức khám phá trung tâm thành phố Sài Gòn trên đôi chân của mình. Bạn phát hiện ra người lái xe ôm trung niên nói tiếng Nhật lưu loát để chỉ đường cho một anh chàng Nhật đi lạc, một người mặc áo xanh tình nguyện đứng ngay ngã tư để giúp đỡ du khách sang đường hay những chiếc xích lô đậu trên vỉa hè chờ người ngồi lên. 

Điểm đến cuối cùng là chợ Bến Thành. Chắc chắn bạn sẽ choáng ngợp trước những món hàng lung linh màu sắc. Có vào đây rồi mới thấy, chợ Bến Thành không thua kém những ngôi chợ sầm uất ở nước ngoài, chỉ là mức giá được điều chỉnh dành cho khách du lịch nên người Việt mua ở đây không phù hợp cho lắm.


Những gian hàng bán đồ lung linh bên trong chợ Bến Thành. Ảnh: Phan Nhất.

Với chặng đường dài 14 km, tổng thời gian ước lượng là 2 tiếng đồng hồ, nhưng đoan chắc với bạn mọi góc nhìn sẽ khác. Chỉ cần bạn gác chiếc xe máy và leo lên xe buýt, bạn sẽ thấy Sài Gòn vẫn là một vùng đất đầy quyến rũ. 
Xem thêm
Thứ Tư, 20 tháng 8, 2014
Những con đường thông thơ mộng ở Đà Lạt

Những con đường thông thơ mộng ở Đà Lạt


Ngoài thời tiết ôn hòa với muôn loài hoa khoe sắc, Đà Lạt còn gây ấn tượng với du khách về những con đường thông reo vi vu trải dài rộng khắp thành phố đến ngoại ô.


Đường Trần Hưng Đạo nằm giữa trung tâm thành phố, gần Hồ Xuân Hương và đi qua Dinh 2 của vua Bảo Đại. Đây là con đường tập trung rất nhiều biệt thự Pháp cổ trải dài cùng nhiều câu chuyện về những ngôi nhà hoang không chủ đầy chất ma mị Đà Lạt.


Đường đi Thung lũng Vàng là con đường đẹp bậc nhất Đà Lạt với khung cảnh dường như chỉ có trong điện ảnh xứ Hàn Quốc.


Nhà thờ Con Gà là một trong những công trình tiêu biểu của thành phố bởi sự cổ kính đặc trưng kiến trúc châu Âu. Nằm trên đầu dốc phố Trần Phú giao với Lê Đại Hành và rất gần Hồ Xuân Hương, đây là điểm đến không thể bỏ lỡ với nhiều du khách.


Ngay từ sân bay Liên Khương về trung tâm Đà Lạt, con đèo Prenn hiện ra đầy quyến rũ với những đường cua uốn lượn theo những quả đồi thông xanh mướt mắt, như một lời chào đón thân thiện nhất từ thiên nhiên xứ sở ngàn hoa.



Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt thuộc thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Tĩnh tâm và hòa mình vào không gian thanh tịnh nơi đây là một trải nghiệm đặc biệt thú vị với nhiều khách hành hương tín ngưỡng.


"Đứng trên triền dốc nhìn xuống đồi thông"...và con đường thơ mộng bên hồ Đa Thiện trong Thung Lũng Tình Yêu.



Chùa Tàu với kiến trúc đặc trưng điển hình Trung Hoa nằm trên đường Khe Sanh dẫn xuống đèo Mimosa. Nơi đây nổi tiếng bởi sự tích "chiếc bàn xoay kỳ diệu" đặc biệt gây tò mò cho nhiều người cùng khuôn viên phía sau dẫn lên quả đồi thông có bức tượng phật cao tới 4 m.​


Con đường dẫn đến "Đồi thông hai mộ", ngay cạnh Hồ Than Thở - nơi câu chuyện tình buồn Đà Lạt đã thành huyền thoại.


Nằm trong quần thể thắng cảnh - tín ngưỡng Thiền viện Trúc Lâm - Hồ Tuyền Lâm, hồ Tuyền Lâm là hồ nước ngọt rộng nhất Đà Lạt và là một trong 21 khu du lịch quốc gia Việt Nam. Sở hữu bức tranh phong cảnh hữu tình, đây là điểm tham quan được ví như thiên đường xanh với hệ thống nhiều ốc đảo nhỏ được bao bọc bởi bạt ngàn rừng thông xanh mướt.


Và không thể bỏ qua ngọn núi Langbiang huyền thoại với điểm dừng "đỉnh Rada". Con đường dẫn lên đây là chuẩn mực nhất về vẻ đẹp đặc trưng của Đà Lạt với những khúc quanh say đắm chỉ có thể trải nghiệm trên thùng xe jeep.
Xem thêm
Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014
Những ngôi chợ "già" nổi tiếng nhất Sài Gòn

Những ngôi chợ "già" nổi tiếng nhất Sài Gòn


Bến Thành, Bình Tây, Tân Định... là những ngôi chợ lâu đời và nổi tiếng bậc nhất TP.HCM . Đây cũng là đầu mối cung cấp hàng hóa cho người dân thành phố và khu vực lân cận.

1. Chợ Bến Thành


Chợ này là biểu tượng của Sài Gòn. Không chỉ thuần túy là nơi buôn bán, một trăm năm qua, chợ Bến Thành đã trở thành một chứng nhân lịch sử chứng kiến nhiều thăng trầm của thành phố, là điểm giao hòa giữa Sài Gòn xưa và nay. Chợ được khởi công từ năm 1912 cho đến cuối tháng 3/1914 mới hoàn tất và hoạt động liên tục kể từ đó cho đến nay.


Chợ Bến Thành có tổng diện tích 13.056 m2. Trung bình mỗi ngày, chợ đón khoảng 10.000 lượt khách lui tới mua bán và tham quan. Chợ có 1.437 sạp, 6.000 tiểu thương, 11 doanh nghiệp, với bốn cửa chính và 12 cửa phụ tỏa ra bốn hướng.


Bước chân vào chợ là len lỏi giữa dòng du khách nước ngoài nườm nượp, tai nghe những lời chào bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Thái... xôn xao như một bản hợp âm. Có thể nói ít ngôi chợ nào trên đất nước thu hút được lượng du khách với mật độ cao, nhiều màu da và đa quốc tịch như nơi đây.


Nhưng ngôi chợ vẫn tồn tại nhiều bất cập mà điển hình là tình hình an ninh trật tự. Đây là địa điểm hoạt động của nhiều nhóm trộm cắp, khiến đơn vị quản lý phải đặt biển cảnh báo.

2. Chợ Bình Tây


Chợ bình Tây còn được gọi là Chợ Lớn. Vào năm 1930, một thương nhân giàu có tên Quách Đàm đã bỏ tiền ra mua mảnh đất sình lầy rộng trên 25.000m2 ở thôn Bình Tây và cho san lấp, xây dựng chợ bằng bê tông cốt thép với tên gọi chợ Bình Tây. Tuy nhiên, người dân Sài Gòn xưa vẫn quen miệng gọi là Chợ Lớn cho đến ngày nay.


Chợ Bình Tây là ngôi chợ lớn của TP.HCM với 2.358 sạp. Khu vực nhà lồng chợ có 1.446 sạp, trong đó tầng trệt là 698 sạp, tầng lầu có 748 sạp. Khu vực ngoài nhà lồng có 912 sạp, trong đó đường Trần Bình có 408 sạp, Lê Tấn Kế có 328 sạp, Phan Văn Khoẻ là 176 sạp. Chợ Bình Tây ngày nay vẫn giữ được vị thế của một chợ đầu mối bán buôn lớn của thành phố và của quận 6, mặc dù có sự cạnh tranh khá quyết liệt từ hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại trong những năm gần đây.


Chợ Bình Tây được xem là chợ đầu mối của nhiều ngành hàng, đặc biệt là thời trang và hàng gia dụng. Nhiều cửa hàng và tiểu thương các chợ nhỏ tại TP.HCM và khu vực lân cận đều về đây lấy hàng với giá sỉ để bán lại.


Để tưởng nhớ người có công lập chợ, bà con tiểu thương đã lập khu tưởng niệm Quách Đàm. Với lối kiến trúc cổ xưa và bề dày lịch sử lâu năm, chợ đang mở ra một hướng phát triển mới đó là điểm du lịch tham quan mua sắm nhiều tiềm năng cho khách du lịch trong và ngoài nước.

3. Chợ An Đông


Chợ nằm ở quận 5, có lịch sử 56 năm. Hiện chợ có 2.702 quầy sạp với doanh số luân chuyển hàng hoá khoảng 1.500 tỷ đồng/năm. Ngoài các mặt hàng kinh doanh thường thấy tại các chợ, nơi đây được xem là vựa thời trang cập nhập mẫu mã nhanh nhất, với chất lượng không thua kém so với các shop lớn.


Chợ có không gian thoáng đãng nhất thành phố, với hệ thống thang cuốn đi lên các tầng để phục vụ khách hàng.


Khu vực tầng trệt rộng rãi với nhiều gian hàng ăn uống, nhiều món ngon hấp dẫn như bún mắm, súp cua, bánh canh cua, xôi gà, các món chè, trái cây dĩa...


Chợ cũng cung cấp nhiều loại thực phẩm khô như: mực, cá, tôm...

4. Chợ Tân Định


Được xây dựng vào năm 1926, chợ Tân Định, quận 1, một trong những chợ mang đậm dấu tích lịch sử của TP.HCM. Đây cũng là địa chỉ mua sắm nổi tiếng và quen thuộc của người dân Sài Gòn. Nằm trên đường Hai Bà Trưng, ngay góc ngã 4 Hai Bà Trưng - Nguyễn Hữu Cầu, chợ có 4 cửa chính, thuận lợi cho người tiêu dùng khi đi mua sắm.


Chợ Tân Định kinh doanh nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú từ vải vóc quần áo, thực phẩm khô, thực phẩm tươi sống, trái cây đến giày dép, phụ kiện trang sức... phục vụ đầy đủ nhu cầu thường nhật của người dân cũng như khách du lịch, nhưng nổi tiếng nhất là vải. Ngôi chợ này cũng được mệnh danh là chợ an ninh nhất thành phố.
Xem thêm